Trên internet đã có rất nhiều bài viết hướng dẫn các mua tên miền, hoặc giải thích về phần mở rộng tên miền khá đầy đủ, bài viết này sẽ không giải thích lại những thứ đã có.
Phạm vi bài viết này sẽ nói đến làm thế nào để chọn một tên miền phù hợp và giúp bạn đưa ra quyết định dễ dàng hơn khi bắt đầu mua tên miền làm website để giới thiệu dịch vụ, sản phẩm của doanh nghiệp được hiệu quả nhất.
Cách chọn tên domain gắn liền với doanh nghiệp
Đầu tiên đa số mọi người sẽ nghĩ ngay đến tên domain trùng với tên công ty hoặc tên ngành nghề, dịch vụ mà mình đang làm.
- Chọn tên miền giống với tên doanh nghiệp
- Chọn tên miền giống với tên sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.
Ví dụ: Mình có ý định thành lập công ty lấy tên là Cty TNHH Five Digital và đã kiểm tra tên này có thể dùng được, như vậy mình mong muốn lấy tên domain là fivedigital.com hoặc fivedigital.vn
Hoặc bên mình làm về Marketing, SEO mình sẽ muốn gắn 1 trong 2 từ này vào tên domain thay cho tên doanh nghiệp ở trên. Mình có thể bắt đầu với cái tên là SEOfive hoặc SEOdigi gì đó.
Nghe thì có vẻ dễ, nhưng câu chuyện không đơn giản là có cái tên ngắn gọn là có thể mua được tên miền ưng ý. Bạn cần phải kiểm tra cái tên mà bạn chọn có còn mua được hay không.
Hầu hết mọi người thấy phổ biến nhất là tên miền .com, tuy nhiên phần mở rộng .com này đã có từ lâu đời và được mọi người rất ưa chuộng, bất chấp về ý nghĩa được sinh ra ban đầu. Vì thế tên mà bạn chọn dễ đọc dễ nhớ tỷ lệ cực cao là đã có người mua, thậm chí website đó còn rất nổi tiếng.
Trước đây tên miền Việt nam thường không được lựa chọn vì lý do giá cả cao hơn tên miền quốc tế , nhưng hiện nay nó đã dần được sử dụng rộng rãi vì tính khả dụng của phần tên mà bạn chọn. Phần lại thể hiện được độ uy tín vì nhiều người đã chấp nhận phần mở rộng này (thậm chí doanh nghiệp coi đây là lựa chọn thứ 2 sao .com thay vì .net hay .org như trước đây.
Cả 2 phần mở rộng .com và .vn đều được coi là “đẹp” thì gần như đã được mua và sử dụng. Vấn đề này khiến cho người “sinh sau đẻ muộn” mất cơ hội chọn 1 cái tên đẹp.
Giải pháp phổ biến của mọi người trước đây cho .com và bây giờ cho cả .com và .vn đó là tìm thêm 1 từ, cụm từ, 1 ký tự, số để thêm vào và kì vọng tên đó còn mua được. Điều này là 1 giải pháp tốt khi bạn vẫn muốn giữ cái ý tưởng ban đầu.
Tuy nhiên việc thêm ký tự, thêm từ, cụm từ thế nào là phù hợp thì bạn nên cân nhắc và xem phần tiếp theo sau đây
Lưu ý khi chọn tên miền cho doanh nghiệp
Chính vì tên miền được cho là đẹp với doanh nghiệp của bạn đã được người khác mua và sử dụng, cho nên bạn phải chọn một cái tên khác hoặc thêm thắt thêm kí tự, từ, cụm từ thậm chí là số, đôi khi bạn còn thấy cả tên miền có dấu gạch nối (-).
Cân nhắc chọn sang các phần mở rộng tên miền mới
Trước đây mọi người hay mặc định chọn phần mở rộng là .com, .net, .org (đối với tên miền quốc tế) và .vn .com.vn (đối với tên miền việt nam). Tuy nhiên hiện nay bạn có thể chọn thêm các phần đuôi tên miền mới, gia tăng cơ hội sở hữu phần tên đúng với tên mà bạn mong muốn, thậm chí có thêm sự phá cách và gây ấn tượng nhất định.
Ưu điểm:
- Chọn đượng đúng tên như ý định ban đầu
- Tên ngắn gọn dễ nhớ và truyền thông thương hiệu tốt hơn.
- Gia tăng sự sáng tạo nếu doanh nghiệp làm về các lĩnh vực truyền thông, quảng cáo. (ví dụ: vincent.design, vincent.dev,….)
Nhược điểm:
- Đối với một số ngành nghề, khách hàng đôi khi không tin tưởng vào loại tên miền này.
- Giá thành cao hơn tên miền phổ biến
Chọn tên miền gây khó đọc
Đây là lỗi phổ biến với hầu hết mọi người khi tìm mua tên miền, khi vừa tìm kiếm tên mình chọn không còn tồn tại, mọi người nhanh chóng gắn vào 1 từ để mua cho xong tên miền này. Sau này mới phát hiện ra tên miền rất khó đọc qua truyền miệng, qua điện thoại khi bạn muốn giới thiệu cho người khác.
Lỗi khó phát âm: Lỗi này khi bạn thêm 1 kí tự, 1 từ khác ngôn ngữ hoặc có nhiều cách đọc. Các từ thêm vào lại có nhiều cách phát âm với người việt đơn cử như: i, e. hoặc các từ thêm vào nữa Anh nữa Việt.
Thêm vào số: Đây không được coi là lỗi, hiện giờ vẫn còn nhưng đối với web cá nhân, web làm dạng blog thì không ảnh hưởng cho lắm, nhưng với doanh nghiệp của bạn thì nó tạo cách nhìn không chuyên nghiệp, dễ bị đánh đồng với các website cá nhân khác.
Dấu gạch nối: Dấu gạch nối giữa cách từ giúp giữ được tên ban đầu, tuỳ nhiên bạn cũng ngầm hiểu lý do vì sao nó còn khả dụng để bạn chọn rồi đó, vì nó trông không được thân thiện và cảm quan của mình là xấu.
Lỗi chính tả, khó nhìn: Tên miền bạn chọn hoặc tên bạn chọn + với cụm từ thêm vào gây khó nhớ, dễ khiến khách hàng gõ sai khi họ gõ trên thanh địa chỉ của trình duyệt.
Tên quá phổ biến, cạnh tranh cao: Bạn chọn tên doanh nghiệp trùng với 1 sản phẩm hay 1 thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, lúc này dù là bạn làm doanh nghiệp ở Việt Nam nhưng không thể đánh bại tên sản phẩm/doanh nghiệp đó ở VN trên kết quả tìm kiếm dù đã nổ lực làm thương hiệu, truyền thông rất tốn kém.
Ví dụ:
Như mình chọn tên SEOdigi.vn và tên này không khả dụng, vậy mình thử thêm e vào: eSEOdigi.vn – Nhìn cũng ổn ổn đó chứ, nhưng mà đọc thế nào đây, bạn thử đọc xem có giống cách mình đọc không? “i S E O digi.vn” hay là “e S E O digi.vn” hoặc là “e SEO digi.vn“. Việc này phát sinh từ việc người việt mình đọc lẫn lộn giữa phát âm tiếng Anh và tiếng Việt.
Hoặc tên FiveDigital.vn cũng không còn nữa, lúc này mình thêm vào: fivedigital247.vn – Vâng, nhìn cũng có chút ý nghĩa, công ty tôi là công ty Marketing hoạt động 24/7 ??? Và phát âm xem nào: five digital hai bốn bảy hay two four seven…
Giờ mình có doanh nghiệp tên là Nguyễn Nhân làm làm về lĩnh vực thiết kế nội thất: mình mua được: nguyennhan.vn (Nguyễn Nhân hay Nguyên Nhân) hoặc dài hơn như nguyennhannoithat.vn: bạn sẽ thấy chữ n lặp lại nhiều lần sẽ rất khó đọc thậm chí dễ gõ nhầm.
Mình từng viết một anh lấy tên 1 mã của thương hiệu đồng hồ casio, vâng, chỉ là 1 mã của loại đồng hồ đó thôi nhưng để tìm kiếm tên doanh nghiệp của anh ấy trên google thì nó chỉ xuất hiện ra ảnh, sản phẩm đồng hồ. Đôi khi là tên 1 bộ phim, 1 loại trái cây…
Nên chọn mua tên miền VN hay quốc tế
Câu hỏi này sẽ khiến một người không phải trong ngành làm website, marketing, SEO phân vân.
Tên miền VN: tên miền VN có giá cao hơn một số tên miền quốc tế nhưng phí gia hạn thì lại phù hợp, việc canh tranh cũng thấp nên khả năng tên bạn chọn vẫn còn khả dụng.
Tên miền VN được nhà nước bảo vệ, tránh các trường hợp bị hack, bị phising khiến bạn mất quyền sở hữu không lấy lại được.
Thậm chí mình từng biết các doanh nghiệp B2B dùng tên miền quốc tế lại khiến đối tác thiếu tin tưởng.
Tên miền quốc tế: Giá thành rẻ, thậm chí còn giảm giá rất sâu, mua được phần đuôi .com với từ 2-3 từ có ý nghĩa mà không mắc các lỗi trên thì vẫn rất tốt.
Tên miền quốc tế giờ đã có thêm nhiều phần mở rộng phù hợp với từng khách ngành nghề của doanh nghiệp bạn. Tính đến thời điểm mình viết bài này đã có hơn 650 phần mở rộng khác nhau ngoài .com, .net, .org
Một số còn sáng tạo dùng phần mở rộng để nối thành tên cho ngắn gọn. Một trường hợp dễ thấy là Bill Gates dùng tên: gatesnot.es chỉ để làm phần sharelink cho trang web của ông là gatesnotes.com
Chọn mua tên miền ở đâu?
Bạn có thể tìm kiếm các nhà cung cấp uy tín, có thâm niên lâu năm để đặt mua tên miền, phần này nhiều người đã có đánh giá nên mình sẽ không đi sâu.
Bạn có thể dựa trên các tiêu chí sau để đi đến quyết định như:
- giá thành hợp lý (mua mới và gia hạn),
- phương thức thanh toán đa dạng,
- hỗ trợ nhanh chóng,
- email thông báo từng vấn đề và nhắc thanh toán,
- có trang quản trị tên miền chuyên nghiệp,
- có các tiện ích bảo vệ tên miền đi kèm,….
Một lưu ý quan trọng là bạn phải là người sở hữu (thông tin cá nhân khớp với các giấy tờ bạn có) thanh toán, lưu giữ tài khoản sở hữu tên miền và không nên quên tài khoản. Không nên để người làm web, nhân viên, công ty làm website sở hữu tên miền hộ tránh rắc rối sau này.
Nên mua tên miền bao nhiêu năm?
Tên miền bạn phải mua tối thiểu một năm, bạn có thể lo quên gia hạn hoặc nhà cung cấp không gửi thông báo nên muốn gia hạn thêm 1-2 năm. Tuy nhiên việc này alf không cần thiết khi mới bắt đầu mua. Hãy tiết kiệm ngân sách đầu tư vào những việc khác.
Sau 1 năm kinh doanh, lúc này bạn có thể nghĩ đến gia hạn 2-3 năm cũng được.
Kết luận của việc chọn mua tên miền
Việc chọn một cái tên không để bắt đầu không hề dễ, các yếu tố lưu ý mình nêu ra cũng chỉ là 1 góc nhìn chung của cá nhân mình. Hi vọng giúp bạn có khởi đầu tốt và đỡ mất công sức về sau hơn.
Mình vẫn biết có những tên miền mà mình cho rằng vướng phải những lỗi cơ bản tuy nhiên website họ đầu tư vào marketing, vào thương hiệu tốt và quyết liệt, biến cái bất lợi thành có lợi. Thương hiệu của họ vẫn dẫn đầu ngành là bình thường.
Bài viết dựa trên kinh nghiệm, nhận định của bản thân, nếu các bạn thấy có chỗ chưa hợp lý có thể đóng góp, bổ sung ở phần bình luận. Điều này giúp mình cải thiện bài viết tốt hơn nữa.
Leave a Reply